Tin thị trường

Làm thế nào để người cao tuổi có sức khoẻ tốt

902
Người cao tuổi cần ăn nhiều rau tươi, quả chín vì đây là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng giúp tăng sức đề kháng và sức bền của thành mạch, giúp chống lại quá trình oxy hoá tại các tổ chức của cơ thể.
Sản phẩm có thể bạn quan tâm
Người cao tuổi hoạt động ít hơn so với thời trẻ. Các cơ quan bộ phận trong cơ thể đặc biệt là hệ thống tiêu hoá hoạt động kém hơn trước. Hàm răng yếu nên nhai cắn thức ăn khó khăn, tuyến nước bọt bị teo, thiếu nước bọt nên khó nuốt. 

Niêm mạc dạ dày và ruột cũng teo đi nên dịch vị, dịch ruột giảm, lượng men tiêu hoá cũng giảm. Hoạt động của gan, thận yếu đi nên khả năng đào thải các chất độc cũng giảm. Do giảm men tiêu hoá, giảm nhu động ruột nên người già ăn khó tiêu, dễ gây táo bón.

Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm đi 20%, người từ 70 tuổi trở lên giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Do vậy người cao tuổi cần chú ý giảm mức ăn so với thời trẻ. 

Nếu không giảm, vẫn ăn như trước sẽ dẫn đến ăn thừa và năng lượng thừa sẽ chuyển thành mỡ nằm trong lòng mạch máu, bao bọc các cơ quan nội tạng (tim, gan, ruột, não…) dẫn đến các bệnh tim mạch, thiếu máu não, thoái hoá mỡ gan…

Nếu trước đây các cụ ăn 3-4 bát cơm thì nay chỉ nên ăn 1-2 bát hoặc 1 bát cơm và 1-2 bát khoai (khoai lang, khoai sọ hoặc khoai tây). Khoai củ có năng lượng thấp (1 bát cơm có năng lượng bằng 3 bát khoai) và lại giúp giữ được cảm giác no, ngoài ra còn cung cấp thêm một số thành phần dinh dưỡng khác mà cơm gạo thiếu.

Ngoài giảm cơm các cụ cần chú ý tự giảm mức ăn thịt vì ăn thịt nhiều sẽ khó tiêu, các sản phẩm chuyển hoá của thịt không tốt thậm chí còn có hại cho sức khoẻ. Nên thay thế thịt bằng cá và thuỷ sản (tôm cua…) nhất là cá nhỏ hầm nhừ ăn cả xương, vì chất đạm của cá dễ tiêu hơn, ít cholesterol và là nguồn canxi tốt giúp hạn chế bệnh xốp xương ở người già.

Trong cá nhất là cá biển có 2 loại vi chất dinh dưỡng quý đó là EDA có tác dụng tốt trong phòng ngừa bệnh tim mạch (xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim…) và DHA có vai trò quan trọng đối với hệ thần kinh, giúp làm chậm quá trình lão hoá của bộ não và tránh lú lẫn lúc về già.

Trong chế biến, người cao tuổi cần giảm các món ăn có nhiều chất béo, nên ăn các món luộc, hầm, hấp và hạn chế các món xào, rán.

Người cao tuổi cũng cần hạn chế ăn đường và các loại bánh kẹo ngọt, uống các loại nước nước ngọt vì ở người cao tuổi tuyến tụy (là tuyến tiết ra hormon Insulin để chuyển hoá đường) không còn hoạt động tốt như lúc còn trẻ, nên nếu ăn hoặc uống nhiều đường ngọt sẽ làm đường huyết trong máu tăng nhanh buộc tuyến tụy phải làm việc gắng sức dễ dẫn đến suy giảm chức năng của tuyến gây bệnh tiểu đường.

Người cao tuổi nên ăn thêm các sản phẩm chế biến từ đậu tương như: đậu phụ, tào phớ, sữa đậu nành và vừng lạc vì những thức ăn này vừa là nguồn chất béo vừa là nguồn chất đạm tốt với người cao tuổi và còn giúp phòng chống các bệnh tim mạch và ung thư.

Người cao tuổi cần ăn nhiều rau tươi, quả chín vì đây là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng giúp tăng sức đề kháng và sức bền của thành mạch, giúp chống lại quá trình oxy hoá tại các tổ chức của cơ thể. Ngoài ra ở người cao tuổi nhu động ruột giảm, dễ dẫn đến táo bón, khi táo bón sẽ giữ lại các chất độc hại trong cơ thể và gây cảm giác khó chịu.

Ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, đẩy phân cùng các chất độc hại ra ngoài. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng như một cái chổi quét cholesterol thừa ra khỏi cơ thể để phòng và hạn chế xơ vữa động mạch.

Người cao tuổi cần ăn nhạt vì ăn mặn sẽ tăng nguy cơ bị cao huyết áp, lượng muối ăn hàng ngày nên từ 5-6g và dưới 200g trong một tháng. Người cao tuổi có nhiều nguy cơ bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim nên cần tránh uống rượu kể cả rượu thuốc.Với các cụ khoẻ mạnh trong những ngày vui có thể dùng một lượng nhỏ các loại rượu vang nhẹ hoặc bia, không nên uống rượu mạnh.

Người cao tuổi có thể ăn 3-4 bữa một ngày, tránh ăn quá no nhất là bữa tối trước khi đi ngủ. Nên ăn bữa cuối trước khi đi ngủ từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng. Nên chú ý chế biến các món ăn hỗn hợp và nấu mềm vì răng và sức nhai của người già kém.

Người cao tuổi cần đảm bảo uống đủ nước, các loại nước thích hợp là: nước chè loãng, nuớc vối, nước đun sôi để nguội. Đủ nước giúp các quá trình chuyển hoá và hoạt động của các cơ quan, bộ phận trong cơ thể diễn ra bình thường giúp đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. 

Tuy nhiên các cụ cần tránh uống nước nhiều vào buổi tối vì người già khó ngủ, uống nhiều nước buổi tối sẽ làm các cụ phải tỉnh giấc để đi tiểu, sau đó không ngủ lại được.

Người cao tuổi cần luôn theo dõi và duy trì cân nặng ở mức vừa phải. Cân nặng nên có của các cụ có thể dựa theo công thức tính BMI (chỉ số khối lượng cơ thể) mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng:

Cân nặng(kg)

BMI = --------------------

(Chiều cao)2 (m)

Với người cao tuổi, BMI nên đạt từ 18,5 đến 20,0.

Để có được sức khoẻ tốt, người cao tuổi cần biết kết hợp ăn uống điều độ với hoạt động thể lực hợp lý đều đặn như tập thể dục buổi sáng, đi bộ đều đặn hàng ngày từ 30-60 phút cộng với hoạt động thường xuyên của trí óc để bắt bộ não làm việc (đọc sách, báo, nghe đài…) và giữ mối quan hệ tốt, cởi mở nhân hậu với mọi người. 

Như vậy sẽ giúp các cụ thanh thản, thoải mái, ăn ngon, ngủ sâu kéo dài tuổi thọ với đúng nghĩa: "sống lâu, sống khoẻ, sống có ích".

Người cao tuổi có nguy cơ cao bị mắc một số bệnh mãn tính có liên quan đến ăn uống và chuyển hoá như: mỡ cao trong máu, cao huyết áp, tiểu đường, goute, loãng xương…. 

Những bệnh này nếu được phát hiện sớm, đựợc các bác sĩ hướng dẫn chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý kết hợp với dùng thuốc khi cần thiết sẽ hạn chế được sự tiến triển của bệnh và có thể vẫn duy trì được cuộc sống gần như bình thường. 

Do vậy người cao tuổi cần thường xuyên kiểm tra sức khoẻ, xét nghiệm một số chỉ tiêu sinh hoá và huyết học để phát hiện và điều trị sớm bệnh.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày