Tin thị trường

Có những thói quen cần đoạn tuyệt

575
TTO - Để phòng bệnh, nên chăng buộc các nhà hàng, quán ăn phải có đồ dùng riêng, nước chấm riêng cho từng người, từng món. Vi phạm là phạt, tại sao không?
Sản phẩm có thể bạn quan tâm
Đoạn tuyệt văn hóa dùng nước chấm chung hoặc dùng đũa, muỗng của mình để lấy thức ăn chung. Tại sao mãi chưa làm được?

Ẩm thực được xem là thế mạnh nhất nhì của du lịch Việt Nam. Có một thực tế dễ thấy ở các tour du lịch: thức ăn được chế biến bài bản nhưng được thưởng thức kiểu fastfood, ăn vội vàng. Nhà hàng hơi chậm một chút là khách bực dọc, than phiền. Người Việt dùng chén đựng cơm, lấy đũa, có khi lùa vài lượt là sạch chén. Thói quen gắp đồ ăn cho nhau lậm vào trong kinh doanh lẫn dịch vụ, bất kể khách thích hay không.

Dễ nhận thấy ngoài các nhà hàng cao cấp hoặc nơi phục vụ khách nước ngoài, còn hầu hết các nhà hàng đều không có đũa, muỗng riêng cho từng món ăn và nước chấm riêng cho từng người. Lạ là cơm đĩa bình dân vài chục ngàn đồng một người vẫn có thể phục vụ nước chấm riêng. Ở nhiều nhà hàng vẫn giữ kiểu phục vụ với đồ dùng, nước chấm chung.

Ở Campuchia trên mỗi bàn ăn ở hầu hết các quán ăn luôn có ly cối nước sôi để trụng đũa, muỗng, nĩa. Món nào dọn ra cũng có muỗng, đũa riêng để lấy thức ăn chung sớt cho từng người. Ai cũng có nước chấm riêng. Người Khmer không có thói quen chế biến sẵn đồ ăn đợi khách, trừ cơm. Khi khách tới, đi vệ sinh, rửa tay chân, họ mới xào nấu. Loáng một cái, thức ăn lần lượt bày ra từng món, nóng hổi, không dọn cùng lúc lên bàn như kiểu thường thấy trong các đám, tiệc của người Việt và trong cả các bữa ăn của khách du lịch.

Có khoảng 1/3 bàn ăn các nhà hàng Việt Nam có thực đơn để khách biết các món mình sẽ ăn nhằm lượng sức và khẩu vị của mình mà chọn ăn ít hay nhiều. Phần lớn các bữa ăn được đặt trước, các hàng quán "giữ bí mật" và dọn dần từng món mới. Hậu quả là các món sau bị ế vì khách đã ăn no những món trước. Gặp khi được ăn món khoái khẩu, lần sau ghé lại muốn gọi đặt cũng chẳng biết tên gì mà gọi. Nhiều lần chúng tôi góp ý, có nơi tiếp thu, có nơi cho là chuyện nhỏ, màu mè hình thức mà chi, hồi nào tới giờ vậy, đâu có nghe khách nói gì đâu và vẫn giữ cách cũ.

Để tiếp tục khống chế dịch bệnh hiệu quả, Bộ Y tế đang trình Chính phủ dự thảo nghị định bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Ai vi phạm bị phạt nặng.

Theo tôi, cũng nên bắt buộc tất cả nhà hàng, quán ăn Việt Nam phải có đũa, muỗng, nĩa riêng từng món ăn để sớt ra cho từng người. Mỗi người có nước chấm riêng. Chúng ta cần đoạn tuyệt văn hóa dùng nước chấm chung và từ giã thói quen dùng đũa, muỗng của mình lấy thức ăn chung - đây có thể là nguồn lây vô số bệnh truyền nhiễm.

Mấy việc trên rất nhỏ nhưng hiệu quả cực lớn. So với những bữa ăn giá hàng trăm ngàn đồng thì chi phí phát sinh không đáng kể. Dĩ nhiên thay đổi thói quen không dễ nhưng phải làm. Đại dịch COVID-19 đã giúp con người nhận thức lại mình và ngộ ra nhiều thứ, trong đó có văn hóa và ý thức vệ sinh, phòng lây bệnh truyền nhiễm của người Việt. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, cần có những chế tài nghiêm để răn đe.

Mở cửa du lịch, an toàn cho du khách, cho người phục vụ và cả cộng đồng phải là ưu tiên số 1. An toàn để tồn tại và phát triển. Không còn chọn lựa nào khác.
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày