Tin thị trường

Hãng nước BIWASE ứng dụng công nghệ ASBR trong xử lý nước thải sinh hoạt

1637
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương nói riêng và khu vực miền Đông Nam Bộ nói chung, lượng chất thải sinh hoạt tại các đô thị luôn là vấn đề nóng trong các chương trình bảo vệ môi trường. Hệ thống lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai ngày càng chịu áp lực, gánh nặng ô nhiễm do nước thải; nguồn nước ngầm cũng đang bị đe dọa bởi chất thải sinh hoạt và công nghiệp.
Sản phẩm có thể bạn quan tâm
  Nằm trong chuỗi các dự án thuộc quy hoạch của tỉnh Bình Dương về thoát nước và vệ sinh môi trường đã được UBND Tỉnh Bình Dương phê duyệt tại Quyết định số 4058/QĐ-CT ngày 20/10/2003. Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương – giai đoạn I với hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải có công suất 17.650 m3/ngđ đã khánh thành đưa vào sử dụng từ ngày 31/5/2013. Mục tiêu của dự án là thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu vực Thành phố Thủ Dầu Một để nâng cao chất lượng sống người dân, tăng cường sức khỏe cộng đồng trong khu vực, góp phần bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn, đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường đô thị. 

Để đáp ứng chất lượng nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT (cột A), đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát mùi phát tán đến khu dân cư lân cận, nên việc lựa chọn công nghệ là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Biwase đã lựa chọn công nghệ xử lý sinh học bùn hoạt tính ASBR (Advanced Sequencing Batch Reactor) thích hợp và tối ưu nhờ vào các ưu điểm của nó so với công nghệ xử lý sinh học truyền thống khác. Với các hạng mục công trình đầu vào, bể ASBR, nhà khử trùng, bể cô đặc bùn, thiết bị vắt bùn, nhà khử mùi…. Ngoài ra, việc xử lý Nitơ và Phốt pho trong nước thải, công nghệ ASBR rất thích hợp cho việc loại sinh học cả Nitơ và Phốt pho, vốn là một yêu cầu để đáp ứng tiêu chuẩn xả thải của Việt Nam. Việc định hình quá trình tuần hoàn bùn hoạt tính dựa trên việc sử dụng vùng lựa chọn ban đầu, đây là vùng nước thải đầu vào được trộn với hỗn hợp bùn nước tuần hoàn để đẩy mạnh quá trình hình thành các bông bùn và hấp thu Nitơ và Phốt pho trong nước thải đầu ra. ASBR là qui trình công nghệ duy nhất có khả năng khử các chất dinh dưỡng mà không đòi hỏi qui trình xử lý bổ sung để có thể đạt được các tiêu chuẩn xả thải của Việt Nam.

Quy trình vận hành bể ASBR là một hệ thống xử lý sinh học đơn giản và hoàn toàn tự động, được điều khiển vận hành, kiểm soát bằng hệ thống PLC:

Hoạt động như là một hệ thống được kiểm soát theo thời gian cho phép nước thải được châm vào liên tục trong suốt tất cả các pha của chu trình. Thích hợp với những sự thay đổi về lưu lượng và tải trọng nước đầu vào. Cho phép hoạt động một bể để bảo trì và trong những điều kiện lưu lượng thấp.
Có thể đạt được các qui trình xử lý oxy hóa sinh học loại bỏ COD, nitơ, photpho và tách chất rắn ra khỏi chất lỏng một cách liên tục chỉ trong một bể.
Dễ dàng nâng công suất mà vẫn đạt được chất lượng nước đầu ra cao.
Cung cấp hai vùng xử lý (tiền phản ứng và phản ứng chính) riêng biệt bằng một tường chắn thủy lực. Sử dụng vùng tiền phản ứng như là một bộ chọn lọc sinh học để tăng cường sự phát triển của các vi sinh vật mong muốn.

Có tính linh hoạt cao.
Ngoài ra, bể ASBR với yêu cầu không gian ít hơn so với các công nghệ khác nên cho phép tăng khoảng cách vùng đệm, hạn chế phát sinh mùi, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, tăng 30% công suất thiết kế so với bể SBR truyền thống cùng thể tích, dễ vận hành, chi phí vận hành thấp (tiết kiệm điện năng).
Quy trình công nghệ xử lý nước thải tại nhà máy gồm 3 bậc:

a. Xử lý bậc 1: Xử lý sơ bộ bằng phương pháp cơ học:

Nước thải sinh hoạt từ các hộ dân sẽ theo đường ống cấp 1 chảy về nhà máy và qua các công trình xử lý sơ bộ như song chắn rác thô và tinh, bể lắng cát, hệ thống tách dầu mỡ. Tại đây, cặn, cát và ván dầu mỡ sẽ được loại bỏ.

b. Xử lý bậc 2: xử lý bằng phương pháp sinh học bùn hoạt tính theo công nghệ ASBR

Tại đây, hầu hết các thành phần ô nhiễm trong nước thải được loại bỏ nhờ quá trình xử lý sinh học diễn ra trong bể ASBR. Hoạt động của bể ASBR cho phép dòng nước thải vào liên tục trong các giai đoạn riêng rẻ xảy ra trong cùng một bể. Các giai đoạn diễn ra như sau:

Phản ứng – khoảng thời gian sục khí, khấy trộn được áp dụng để đạt được hiệu quả xử lý sinh học mong muốn.
Lắng – tạm ngừng sục khí, khấy trộn để các chất rắn lơ lửng sẽ lắng xuống đáy bể để lại một lớp nước trong đã được xử lý ở bên trên. Bể vẫn tiếp tục nhận nước thô vào, thông qua ngăn tiền phản ứng.
Thu nước – nước trong được rút ra, trong khi nước thô vẫn tiếp tục cho vào bể. Bùn dư đồng thời được thải loại trong giai đoạn này.

c. Xử lý bậc 3: Khử trùng bằng tia cực tím (UV)

Hệ thống vắt bùn, khử mùi cũng được đầu tư bằng các trang thiết bị hiện đại xử lý triệt để các chất ô nhiễm hóa học như Amoniac, Hydro sunfua, mercaptan,… phát sinh từ quy trình xử lý nước thải và bùn thải.

Bên cạnh đó, các hệ thống thiết bị đo quan trắc online cũng được trang bị phục vụ cho quá trình kiểm soát toàn bộ quá trình trước, trong và sau xử lý.

                                                                                                                                                           Nguồn: biwase.com
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày
Không tìm thấy bài viết