Tin thị trường

Kiềm hóa cơ thể có giúp chữa ung thư Khoa học nói gì?

2696
Thế nào là axit/kiềm?

Khái niệm axit bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại, là oxein, ý để chỉ về tính chua của thực phẩm. Sau đó nó biến thành acetum trong tiếng Latin, và dần dần thành từ acid ngày nay. Trong Đông phương học cũng có khái niệm tương đương, và tiếng Hán Việt gọi tính chua là toan. Sau này khái niệm axit còn được hiểu là loại chất có tính ăn mòn kim loại.

Ngược lại, kiềm không phải nguồn từ vị giác, mà ý chỉ những chất có tính ngược lại, làm trung hòa tính axit, ngày nay gọi là base, hay trong sách giáo khoa hay gọi là ba-zơ. Trong Đông phương học dùng từ kiềm để chỉ những chất này.

Ở Việt Nam ta hiện nay, để chỉ 2 tính chất đối nghịch này, ta hay dùng cụm từ axit/ba-zơ hay axit/kiềm, đôi khi bạn sẽ nghe từ toan/kiềm. Chúng đều chỉ chung khái niệm này.
Ngày nay, để xác định một chất (hay chính xác hơn là một môi trường) có tính axit hay kiềm, người ta thống nhất dùng chỉ số pH làm thước đo.

pH từ 0 đến <7 là axit
pH = 7 là trung tính, tức là không axit không kiềm.
pH  >7 đến 14 là kiềm.

Tất nhiên pH cũng có thể âm hoặc lớn hơn 14, đó là những dung dịch axit hoặc kiềm có nồng độ cao. Nhưng thường chúng ta chỉ xét trong khoảng pH từ 0 đến 14.
Sản phẩm có thể bạn quan tâm
 Bằng chứng khoa học nói gì?

a/ Thức ăn có thể thay đổi pH máu tức thời, nhưng không thể thay đổi pH máu dài hạn

pH của máu là một yếu tố sống còn với cơ thể. Tự Nhiên cho cơ thể con người nhiều cơ chế để giữ pH máu ổn định, bao gồm nhiều hệ đệm và các cơ chế tăng giảm nồng độ ion đệm chủ động.

pH máu (hay pH của môi trường ngoài tế bào (ngoại bào) nói chung) luôn được giữ ổn định trong khoảng 7.36 – 7.44 [14].

Khi pH máu vượt qua khoảng này, lập tức cơ thể sẽ chủ động cân bằng lại. Một trong 2 nơi chính để cân bằng pH máu chủ động là thận. Khi máu dư axit hay kiềm, thận sẽ chủ động thải axit hay kiềm dư vào nước tiểu, hoặc ngược lại, hấp thu kiềm hay axit vào máu để trung hòa lượng dư [14].

Hoạt động này diễn ra gần như tức thì sau khi pH máu vượt qua ngưỡng bình thường. Kết quả của hoạt động này là pH của nước tiểu thay đổi, tùy theo tình trạng tức thời trước đó.

Do đó, về mặt lý thuyết, thức ăn không thể thay đổi pH máu của bạn trong dài hạn. Chúng có thể thay đổi pH máu trong tích tắt, nhưng lượng axit hay kiềm dư này sẽ bị đào thải hoặc trung hòa gần như ngay lập tức ở thận (và phổi, cơ quan thứ hai có khả năng ảnh hưởng lên pH máu), trừ khi bạn bị các chứng bệnh liên quan đến khả năng giữ cân bằng pH.

Trong trường hợp bạn bị các chứng bệnh liên quan đến khả năng giữ cân bằng pH, hoặc bằng cách nào đó bạn làm pH máu vượt ngưỡng 7.36 – 7.44, bạn sẽ bị tình trạng nhiễm axit/kiềm, và đây là tình trạng cấp tính, cần xử lí gấp nếu không có thể dẫn tới tử vong. Trong trường hợp nhiễm kiềm, chỉ cần pH máu lên 7.55, bạn có 45% nguy cơ tử vong, và nguy cơ này lên đến 80% nếu pH máu lên trên 7.65 [15], với các triệu chứng cấp tính như nôn mửa, khó thở, mất ý thức… và có thể để lại di chứng rất nặng nề cho hệ thần kinh [16-19].

b/ Giả thiết thực phẩm axit/kiềm đang là một giả thiết…chết

Trong khoa học, một giả thiết được đặt ra để giải thích một hiện tượng nào đó, muốn tồn tại được cần được chứng minh bằng thực nghiệm, hoặc từ đó đề xuất được một (vài) dự đoán và các dự đoán này phải được thực nghiệm kiểm chứng là đúng. Chừng nào thực nghiệm còn chứng minh giả thiết đó đúng, chừng đó giả thiết đó vẫn còn tồn tại và được coi là lý thuyết.

Giả thiết axit/kiềm xây dựng dựa trên 2 điều:

1/ Mối liên hệ giữa thực phẩm và pH nước tiểu, cái mà như đã giải thích ở trên là không biểu hiện cho pH máu.

2/ Giả thiết Tro hóa thực phẩm, mà giả thiết này hầu như không thể chứng minh trực tiếp bằng thực nghiệm.

Tro là khái niệm chỉ lượng muối vô cơ còn sót lại sau khi đốt cháy một chất sản phẩm hữu cơ nào đó. Trong khi, trong tế bào, sự “đốt” chất dinh dưỡng không đơn giản chỉ là sự cháy ngoài không khí, và sản phẩm của quá trình “đốt” này cũng không để riêng ra một chỗ để có thể xét xem “tro” này mang tính axit hay kiềm.

Tuy nhiên, có một kết luận từ giả thiết axit/kiềm là axit sinh ra do tiêu thụ “thực phẩm axit” sẽ gây loãng xương. Nguyên lý của hiện tượng này có thể hiểu nôm na là do xương có thành phần chính là muối canxi phốtphát, một dạng muối khoáng có một tính chất gần giống như đá vôi đó là sẽ bị tan ra trong môi trường axit như đá vôi, do đó ăn thực phẩm axit hóa cơ thể sẽ làm tan xương, gây loãng xương.

Nhiều thí nghiệm lân sàng đã được thực hiện để kiểm chứng giả thiết này, từ những năm 1970 đến nay. Các nghiên cứu đoàn hệ (dựa trên số lượng lớn người tham gia một cách ngẫu nhiên có kiểm soát, theo dõi thời gian dài, có nhóm đối chứng) cũng như một nghiên cứu phân tích chuyên sâu (meta-analysis, năm 2009, với 5 nghiên cứu trên 133 người thỏa mãn điều kiện tổng hợp, cùng 77 nghiên cứu khác để so sánh) đều không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc ăn thường xuyên “thực phẩm axit hóa” hay “thực phẩm kiềm hóa” với bệnh loãng xương [20-23]. Cụ thể, việc ăn thực phẩm axit không làm tăng khả năng bị loãng xương [20, 21], và ngược lại, ăn thực phẩm kiềm hóa cũng không làm giảm khả năng bị loãng xương [22]. Đặc biệt, thực phẩm kiềm hóa này dù từ rau củ hay từ thực phẩm chức năng đều không có tác dụng gì [22].

Về mặt khoa học, chỉ cần một trong những kết luận của giả thiết này bị chứng minh là sai, giả thiết đó sẽ bị loại bỏ hoặc phải sửa đổi, cho dù tất cả các kết luận khác của nó được chứng minh là đúng. Do đó, về lý thuyết, giả thiết thực phẩm axit/kiềm cũng cần phải bị loại bỏ hoặc sửa đổi. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy một sự sửa chữa nào từ các nhóm ủng hộ giả thiết này, nên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn kết luận đây là một giả thiết chết.

c/ Tế bào ung thư không sống được trong môi trường kiềm, và tế bào thường cũng vậy.

Thuyết thực phẩm kiềm/axit lấy một sự thật đã được chứng minh là môi trường vi mô quanh khối ung thư (ung thư dạng rắn) là môi trường axit, và một sự thật khác là tế bào ung thư không sống được trong môi trường quá kiềm (pH trên 7.5). Từ đó, thuyết này cho rằng nếu ăn thực phẩm kiềm sẽ kiềm hóa máu từ đó làm ung thư tự chết.

Tuy nhiên, thuyết này đã không đề cập đến việc tế bào thường cũng sẽ chết trong môi trường quá kiềm. Như có đề cập ở phần a/, pH máu vượt qua ngưỡng 7.5 sẽ gây ra tình trạng khẩn cấp, nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong, do tế bào thường cũng không thể sống trong môi trường này.

Ngoài ra, cần phải biết là tế bào ung thư vẫn sống được ở pH máu bình thường, tức hơi kiềm. Bằng chứng là bệnh nhân ung thư máu không thể tự khỏi, mặc dù pH máu của họ vẫn giữ ổn định trong khoảng 7.36 – 7.44. Tế bào ung thư nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm cũng vẫn sống trong môi trường nuôi cấy cơ bản với pH 7.4.

Do đó, việc kiềm hóa máu (bằng cách nào đi nữa) cũng không thể là một phương pháp trị ung thư.

Việc kiềm hóa máu, thực tế vẫn được dùng trong điều trị ung thư, nhưng không phải như một liệu pháp đặc trị, mà như một phương pháp hỗ trợ các liệu pháp khác. Ví du, việc tiêm bicarbonate (với nồng độ có kiểm soát) để kiềm hóa máu trực tiếp cho thấy có hỗ trợ nâng cao hiệu quả của liệu pháp miễn dịch dùng các chất ức chế PD-1 hay CTLA-4, có tác dụng chặn tín hiệu báo “đừng tấn công” của tế bào ung thư, từ đó tế bào miễn dịch có thể thoải mái tấn công ung thư.

d/ Môi trường axit quanh tế bào ung thư có vẻ là kết quả hơn là nguồn gốc của quá trình sinh ung thư.

Đầu tiên, cần phải đính chính rằng Giáo sư Ottto H. Warburg đã được trao giải Nobel (năm 1931) không phải vì công trình tìm ra nguồn gốc của ung thư, mà nhờ “phát hiện tính chất tự nhiên và cách thức hoạt động của enzyme liên quan đến hô hấp trong tế tào”. Ông có được đề cử giải Nobel lần 2 (năm 1944), nhưng cũng không phải về ung thư mà cho các công trình liên quan đến sự lên men kị khí, tuy nhiên ông đã không nhận giải, theo một số nguồn tin không chính thống thì là do Hitler cấm ông đi nhận giải.

Thứ hai, nên nhớ, ông cũng chỉ đưa ra giả thiết (chưa được minh chứng bằng thực nghiệm) về nguồn gốc của ung thư từ những năm 1960. Hơn nữa, ông chỉ cho rằng nguyên nhân của ung thư là do có sự chuyển đổi trong tế bào từ hô hấp hiếu khí (cần oxy) thành hô hấp kị khí (không cần oxy, còn gọi là lên men), và không hề nhắc tới môi trường axit hay không.

Và đó là chuyện của những năm 1960. Hơn 50 năm nghiên cứu, rất nhiều kiến thức mới về ung thư đã được phát hiện, và theo góc nhìn của khoa học hiện đại, môi trường axit xung quanh khối u được xem là kết quả hơn là nguyên nhân sinh bệnh.

Có thể hiểu một cách đơn giản là do ung thư có tính phân chia nhanh, do đó nó tiêu thụ năng lượng nhanh, mà quá trình hô hấp hiếu khí bình thường của tế bào không đủ cung cấp năng lượng cho nó, hơn nữa chính các mạch máu hình thành một cách bất thường ở gần nó (cũng là một kết quả của quá trình sinh ung) mà oxy không thể cung cấp kịp, tình trạng mà khoa học gọi là hypoxia (chúng tôi sẽ có bài chuyên sâu về hypoxia sau), do đó nếu muốn tồn tại, ung thư phải tích trữ những đột biến khiến nó chuyển cơ chế lấy năng lượng từ hô hấp hiếu khí sang lên men kị khí. Sản phẩm của quá trình lên men là axit lactic, bị đào thải ra ngoài tế bào, từ đó khiến môi trường ngoại bào trở nên axit.

Một bằng chứng khác cho thấy môi trường axit không phải là điều kiện cần và đủ để sinh ung thư, đó là vẫn có những nơi trong cơ thể mà môi trường ngoại bào là axit một cách tự nhiên. Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như dạ dày (pH khoảng 1.5 đến 3.5), âm đạo của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (pH khoảng 3.8 – 4.5), nước bọt (pH khoảng 6.2 – 7.6, thường là 6.7), hay bề mặt da (pH khoảng 4.0 – 7.0, thường là 5).

Do đó, việc giữ cho pH máu luôn kiềm không đồng nghĩa với việc ung thư không phát triển được, cũng như việc để pH máu xuống mức axit cũng không phải là nguyên nhân gây ung thư, theo bằng chứng khoa học đến thời điểm này.

Tóm lượt và thảo luận
Giả thiết thực phẩm axit/kiềm là giả thiết cho rằng việc ăn một số loại thực phẩm nhất định sẽ khiến máu của bạn bị axit hóa/kiềm hóa; việc này có thể theo dõi bằng cách đo pH của nước tiểu. Giả thiết này cho rằng cơ thể cần được kiềm hóa mới khỏe mạnh; cơ thể bị axit hóa là cơ thể dễ mắc bệnh, trong đó có cả ung thư. Do ung thư không thể sống trong môi trường kiềm, nên việc kiềm hóa cơ thể, hay chính xác hơn là kiềm hóa máu là cách chữa trị ung thư tự nhiên.

Theo đó, một số thực phẩm có vị chua (tức mang axit) vẫn có thể là thực phẩm kiềm, vì theo giả thiết này, chỉ cần ăn thực phẩm đó mà nước tiểu hóa kiềm thì thực phẩm đó vẫn tính là thực phẩm kiềm. Hay nói cách khác, thực phẩm có tính kiềm hay axit trước khi ăn không liên quan đến tính kiềm hóa/axit hóa của chúng; chỉ tác dụng kiềm hóa/axit hóa nước tiểu sau khi ăn mới là yếu tố xét xem thực phẩm này mang tính kiềm hóa hay axit hóa cơ thể.

Theo đó, nước ion kiềm hoàn toàn không thể được xếp vào thực phẩm kiềm, vì nó chỉ có tính kiềm trước khi tiêu hóa, không làm kiềm hóa nước tiểu sau khi tiêu hóa. Tất cả những quảng cáo nước ion kiềm như một phần của dinh dưỡng kiềm hóa cơ thể là hoàn toàn sai so với giả thiết thực phẩm axit/kiềm. Loại nước này rõ ràng không thể có tác dụng gì ngoài việc trung hòa axit dạ dày, mà việc này bình thường sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa của dịch dạ dày. Bằng chứng khoa học vững chắc nhất đến thời điểm hiện tại là một nghiên cứu tổng hợp hệ thống (systematic review) năm 2016, tổng hợp hơn 250 báo cáo khoa học đến thời điểm đó vẫn không cho thấy có mối liên hệ nào giữa việc uống nước ion kiềm và khả năng làm giảm ung thư hay trị ung thư [31].

Thực tế, thực phẩm, nếu có thể, thì chỉ thay đổi được pH máu trong tích tắc, chứ không thể thay đổi dài hạn. Lí do là pH máu luôn cần được giữ ổn định trong một khoảng rất hẹp (7.36 – 7.44), vượt ngoài khoảng này, dù theo hướng kiềm hóa hay axit hóa, cũng đều có thể dẫn tới tử vong. Do đó, cơ thể sẽ luôn nhanh chóng chủ động đào thải/hấp thu axit hoặc kiềm dư trong máu để giữ pH ổn định, và một trong những cơ quan làm việc đó là thận, lượng dư axit/kiềm sẽ nhanh chóng bị đào thải qua nước tiểu. Đó có thể cũng là lí do tại sao giả thiết Thực phẩm axit/kiềm này thất bại trong việc dự đoán rằng chế độ ăn nhiều thực phẩm axit sẽ gây loãng xương và chế độ ăn kiềm hóa sẽ phòng chống việc đó. Với thất bại này, giả thiết này vẫn đang là một giả thiết chết, cần được bổ sung hoặc loại bỏ.

Tế bào ung thư không thể sống trong môi trường quá kiềm, nhưng tế bào thường cũng vậy. Như đã nói ở trên, môi trường máu với pH trong khoảng hơi kiềm (7.36 – 7.44) là môi trường phát triển bình thường của tế bào. Mặc dù đúng là môi trường xung quanh khối u có tính axit, tế bào ung thư vẫn có thể sống được trong môi trường hơi kiềm của máu. Bằng chứng là ung thư máu không thể tự khỏi mặc dù pH máu của người bị ung thư máu vẫn ở trong khoảng hơi kiềm trên. Tế bào ung thư được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cũng vẫn sống tốt trong pH 7.4. Do đó, việc kiềm hóa máu không thể là coi là một liệu pháp trị ung thư được.

Theo kiến thức của khoa học hiện đại, môi trường axit quanh các khối u (ung thư dạng rắn) là kết quả của quá trình sinh ung hơn là nguyên nhân sinh ung. Giả thiết Warburg về nguyên nhân gốc rễ của ung thư cũng không còn nghiệm đúng nữa, ngày nay khoa học biết rõ có rất nhiều điều kiện để tế bào bình thường trở thành ung thư, không chỉ đơn thuần là thích nghi với việc sống thiếu oxy hay môi trường axit, ví dụ như phải ẩn mình khỏi sự truy lùng của hệ miễn dịch, kêu gọi các tế bào xung quanh tiết chất hỗ trợ sự phát triển của chúng, tạo mạch máu mới đến nuôi dưỡng chúng, hay thoát khỏi giới hạn về số lần phân bào.

Tóm lại, theo góc nhìn của khoa học hiện đại, giả thiết Thực phẩm kiềm/axit không còn phù hợp nữa. Các thực phẩm “kiềm”, ngụ ý tốt cho cơ thể, mà giả thiết này đưa ra, ví dụ như rau củ quả, chúng tốt cho cơ thể không phải vì chúng “kiềm hóa máu”, mà vì nhiều lí do khác như là chứa các chất chống tăng sinh mạch, kích hoạt cơ chế chết theo chương trình (apoptosis, hay nôm na là cơ chế tự tử của tế bào)… Nói cách khác, cụm từ “thực phẩm kiềm” không còn ý nghĩa nữa nếu nhìn theo góc độ này.

Ruy Băng Tím khuyên mọi người vẫn nên áp dụng 6 nguyên tắc cơ bản trong dinh dưỡng phòng ung thư, kết hợp tập luyện thể chất thường xuyên và tầm soát đúng tuổi, đúng kì hạn, đó vẫn là cách phòng ung thư một cách khoa học nhất đến thời điểm này. Ngoài ra, cần trang bị cho bản thân và gia đình, bạn bè kỹ năng kiểm chứng thông tin, để biết được đâu là nguồn tin có thể tin cậy được, nhất là khi tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Bạn có thể tham khảo một trong những cách đó tại bài viết Kỹ năng cơ bản đánh giá độ xác thực của một bài báo về sức khoẻ.

                            Chịu trách nhiệm thông tin: ThS. Nguyễn Cao Luân.
                            Cố vấn khoa học: TS. Nguyễn Hồng Vũ & Lê Anh Phương.
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày