Tin doanh nghiệp

Ngọn lửa không tắt – Hành trình 32 năm bền bỉ với nghề gas của người phụ nữ mang tên Xuân Hương

406
Ở một góc quen thuộc trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Quận Bình Thạnh, suốt 32 năm qua, có một cửa hàng gas nhỏ vẫn đều đặn sáng đèn từ lúc trời còn chưa rạng và chỉ tắt đèn khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ. Đó là mái nhà của chị Lê Thị Xuân Hương, người phụ nữ sinh năm 1980 – một tấm gương bền bỉ và tận tụy trong nghề kinh doanh gas, nghề mà người trong giới vẫn thường bảo nhau: “Mở cửa sớm nhất, đóng cửa muộn nhất”.

Tuổi thơ trong lò luyện bản lĩnh

Lớn lên trong một gia đình buôn bán lâu đời, từ sạp báo, băng đĩa cho thuê, tạp hóa... và rồi gắn bó với gas từ năm 1993 – khi ba mẹ chị mở cửa hàng đầu tiên tại chính căn nhà số 266 Bùi Hữu Nghĩa. Mới 13 tuổi, chị Hương đã biết trông cửa hàng để ba mẹ yên tâm đi lấy gas. Những chiếc bình nặng trĩu, mùi gas nồng đặc, tiếng xe tải đỗ hàng – tất cả đã trở thành một phần tuổi thơ của chị.
Gia đình chị từng có thời kỳ huy hoàng khi mở đến 7 cửa hàng gas tại TP.HCM, tự đầu tư xe tải để nhập gas và phân phối cho các đại lý nhỏ. Trong khi bạn bè còn mải chơi, chị Hương đã sớm làm quen với sổ sách, hàng hóa, học cách buôn bán từ ba mẹ – những điều sau này trở thành nền tảng cho hành trình bền bỉ chị đi qua.

 

Từ cô giáo thể dục đến người kế nghiệp

Tốt nghiệp cao đẳng và từng là giáo viên thể dục, chị Hương đồng thời còn tham gia công tác phường, đoàn thể Quận Bình Thạnh. Nhưng đến năm 2005, sau khi sinh con đầu lòng, chị quyết định nghỉ dạy để toàn tâm tiếp quản cửa hàng gas cho ba mẹ.

Suốt 20 năm qua, vừa làm mẹ của hai cô con gái, vừa một mình chèo lái cửa hàng trong ngành nghề vốn “nặng hơn cả thân thể phụ nữ”, chị vẫn kiên cường gắn bó – không chỉ để duy trì kế sinh nhai mà còn để giữ lại giá trị nghề truyền thống mà ba mẹ đã gây dựng.

Giờ đây, khi cô con gái lớn đã vào đại học, chị bắt đầu truyền nghề, chuyển lửa, hướng dẫn con kế nghiệp, để tiếp tục thắp sáng ngọn đèn gas ấm áp ấy cho gia đình.

 

Nỗi niềm người làm nghề chân chính

Dẫu kiên cường là vậy, nhưng chị cũng mang nhiều trăn trở:

Làm sao để khách hàng phân biệt được gas chính hãng, có bảo hiểm và đầy đủ pháp lý? Làm sao chống lại những đối thủ bán hàng kém chất lượng, gây mất niềm tin người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín những người làm nghề chân chính?
 

Làm sao để đảm bảo thu nhập cho nhân viên giao gas, những người âm thầm làm việc từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, không quản nắng mưa, chỉ mong đủ sống với nghề?
 

Làm sao để các cửa hàng gas nhỏ tuân thủ đầy đủ quy định, không bị đào thải trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là khi gas đang phải đối mặt với làn sóng chuyển đổi sang điện và năng lượng khác?



Không dừng lại ở đó, chị Hương đang tìm hiểu thêm về chuyển đổi số, mong muốn áp dụng phần mềm quản lý cửa hàng để công việc trở nên gọn gàng hơn, đáp ứng được quy định nhà nước và thích ứng với xu thế hiện đại.

 

Một tấm gương sáng cho lớp trẻ

Câu chuyện của chị Lê Thị Xuân Hương không phải là một câu chuyện cổ tích. Đó là câu chuyện có thật, dung dị và mộc mạc, nhưng chứa đựng sự hy sinh, lòng kiên cường và tình yêu dành cho nghề, cho gia đình.

Trong một thời đại mà ai cũng mong công việc “sạch sẽ, nhẹ nhàng”, chị Hương vẫn âm thầm lao động trong một ngành nghề được xem là nặng nhọc nhất. Chính điều đó đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay – rằng mỗi công việc nếu được làm bằng tâm huyết và lòng chân thành, thì dù gian khổ cũng là một niềm tự hào.

Nguyễn Nam
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày