Tin thị trường

Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 1: Chung cư 130 tuổi ở phố tài chính Sài Gòn

1234
TTO - Sài Gòn có rất nhiều chung cư xưa cũ, thậm chí hơn cả trăm năm. Ở những nơi bạc màu thời gian ấy, lịch sử như dừng lại để vọng kể mãi chuyện nhà xưa, người cũ...
Xung quanh chung cư Tôn Thất Đạm đã 130 tuổi bây giờ là những tòa nhà hiện đại như Bitexco mọc lên sát bên. Giữa ba  thế kỷ đầy biến động của Sài Gòn, những cư dân chung cư trăm tuổi vẫn bình thản sống với nền nếp cũ. Họ hòa nhập nhịp sống hiện đại nhưng vẫn giữ lại những nét xưa cho Sài Gòn.
Như ở thế giới trăm năm trước

Chung cư Tôn Thất Đạm, quận 1 nằm trên con đường cùng tên, mà theo các tài liệu xưa nó được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc - năm 1886. Sau năm 1975, khoảng 60 căn hộ chung cư được cấp lại cho cán bộ Công ty Bảo Minh, Bưu điện Sài Gòn, Công ty Cảng Sài Gòn, Bộ Tài chính...

Bỏ lại đường phố ồn ào của khu phố tài chính, bà Nguyễn Thị Tí, 74 tuổi, như một "signature - dấu hiệu" nhận ra khu chung cư cổ kính Tôn Thất Đạm. Sáng sớm, bà Tí ngồi chậm rãi vừa nhặt mớ măng le khô chuẩn bị bữa trưa vừa nhai chiếc bánh tiêu được hàng xóm cho. Cậu nhân viên trẻ của quán nước hoa tự chế Cleopatra ào

tới bà thân thiết như bà ngoại, bảo: "Bà ơi cho con quay phim shop tí nha, mẫu con xẹt qua cái là đi liền nè!". Bà gật đầu cười bảo: "Khu này tao là bà trùm đây, đứa nào muốn quay phim chụp hình thì phải báo trước, chụp gì chụp xong phải dọn rác cho sạch chứ bây đi ai dọn cho?".

Coi có vẻ khó tính nhưng nói xong là bà Tí cười kể cho tôi nghe đủ chuyện về khu chung cư 130 tuổi đời này. Bà ngồi giữ xe cho người ra người vào chung cư thôi nhưng khẳng định: "Tao về hưu hơn 20 năm rồi, lương hưu về hồi đó tới nay chưa được 3 triệu đồng. 

Nhưng bây coi, cứ xe ra xe vô rồi mấy chiếc xe gửi tháng "leo lề" kia sát cầu thang, lối đi, mỗi tháng tao cũng kiếm triệu lên triệu xuống. Xưa tao dân kế toán mà. Tính nhanh lắm. Tao giữ xe thôi chứ mua 4 cái nhà phố cho 4 đứa con. Vừa mua thêm căn chung cư cho anh Ba tao, dư dả thì tao dành dụm cho cháu nội".

Bà Tí tóc bạc trắng, người thấp đậm nhưng rất tinh mắt. Ai lạ, quen ra vào chung cư này bà đều hay biết. Bà về chung cư từ sau năm 1980 và làm tổ phó ban quản trị chung cư cũng cả chục năm rồi. Nhà bà xưa vốn là bãi để xe của Bưu điện thành phố - nơi bà từng làm việc. 

Trong ký ức của mình, bà thuộc làu về khu chung cư này cũng như nằm lòng những chuyện người đi, người ở nơi đây. Nhà bà Tí chỉ vỏn vẹn 29,5m2, sau nhiều lần cơi nới, sửa chữa, giờ bà và chồng ở trên gác lửng, cái trệt cho thuê cũng trên chục triệu mỗi tháng. Bà luôn tự hào đó là món quà trời cho của những cư dân "khu đất kim cương" này.

Nhưng tình yêu của bà Tí với khu chung cư Tôn Thất Đạm không chỉ bởi đây là nơi bà "hái ra tiền" suốt mấy chục năm, mà từng căn hộ ở đây đã quen thuộc với bà cũng như chồng, như con mình gắn bó. Giọng rổn rảng hạnh phúc, bà Tí kể lại từng ngóc ngách chung cư: "Nhà tao là gara xe hơi thời trước. 

Sau giải phóng, Nhà nước kiểm kê, cấp lại cho cán bộ các ban ngành như bảo hiểm, bưu điện, Bộ Tài chính... Nhà trệt ở đây chỉ có vài căn, đều là gara xe hơi thời trước 1975, không được xây cao quá tầng 1 chung cư vì sẽ che mất lưới trời của các hộ ở trên. Tụi mày xem, cái gầm cầu thang kia cũng có chủ đấy, là nơi giữ xe của một hộ dân ở đây".

Theo chân bà Tí, tôi dạo một vòng khu chung cư cổ kính nằm sát bên tòa nhà hoa sen Bitexco. Trên nóc nhà của hộ số 14A của chung cư được tận dụng thành nơi phơi đồ của bà tổ trưởng ở lầu 1. Nhà bà tổ trưởng cũng là nơi cô con gái bà năm nay đã hơn 40 tuổi mở shop quần áo tên "Bụi shop" chuyên bán đồ "nước hai" từ Campuchia về. 

Lon "Ghi-gô" xuyên thế kỷ ở bếp chung cư

Những căn hộ ở lầu 1 chung cư Tôn Thất Đạm hiếm hoi lắm mới có vài căn nguyên gốc của cư dân vẫn ở lại. Đó là dãy nhà phía sau mặt tiền chung cư, phía đường Tôn Thất Đạm. Nơi đây chỉ còn chừng 5 căn là của người dân vẫn ở cùng gia đình nhiều thế hệ. Như nhà trưởng ban quản trị chung cư, cô Nguyễn Thu Hà, 64 tuổi. Trong gian bếp cũ còn nguyên hiện trạng từ trước năm 1975, cô Hà nghĩ ra nhiều cách cơi nới bếp bằng các kệ gỗ.

"Con xem, bếp cô giống cái kho, vì cô hay mua đồ trữ, nhưng nhờ vậy qua được mùa dịch, còn đem chia cho bà con trong tổ" - cô Hà kể thêm vốn dân quận 2 nhưng lấy chồng thì về chung cư ở từ năm 1979. Con cái cô đều sinh ra và lớn lên ở khu này. Căn hộ của cô Hà rộng chừng 60m2 hơn. Cô ngăn thành 3 phòng lớn, 2 phòng ở, còn 1 phòng cho con gái cô kinh doanh shop quần áo.

Cô Hà kể: "Nhà cô toàn cán bộ nhà nước, về hưu không dư dả nhiều, lại cũng không giỏi bán buôn như người ta. Được cái con cháu ngoan, ăn học tới nơi, rồi lúc nào cũng quây quần". Nhà cô còn giữ nguyên trạng chung cư cũ. Vẫn những ô gạch đá mát lạnh từ thời Pháp, gian gác xép gỗ là phòng ngủ, trệt là phòng khách, bếp. 

Chị Phương Anh, 41 tuổi, con gái cô Hà, cũng sinh ra ở chung cư này, dù lấy chồng về nhà chồng ở rồi còn lưu luyến nên xin mẹ một ô nhỏ trong nhà kinh doanh shop quần áo. Chị Phương Anh kể: "Mình sinh ra, lớn lên ở đây nên gắn bó lắm. Mấy hôm dịch, nhà mình qua đây ở cả. Ba thì cắt tóc cho ông xã mình. Đám con cháu được dịp tụ tập nên vui lắm. Đồ ăn thì mẹ trữ, tìm được nguồn mua trứng rẻ nè, rau Đà Lạt cũng tươi mà rẻ nè. Ăn không kịp, còn đi chia cho bà con trong chung cư".

Trong gian bếp nhỏ cô Hà còn lưu lại những đồ dùng từ trước năm 1975 như lon sữa Guigoz mà người Sài Gòn xưa gọi là lon "Ghi-gô" và đã gắn bó với đời sống của nhiều thế hệ người miền Nam trước 1975. Loại sữa bột này phổ biến đến nỗi hầu như gia đình trung lưu miền Nam nào hồi đó cũng nuôi con bằng sữa Guigoz. 

Nhà giàu còn dùng lon Guigoz để đựng vàng lá, hột xoàn, trang sức quý. Những lon sữa nhôm không gỉ sét này còn được các bà nội trợ cất giữ để đựng muối, đường hay các thức ăn khô cho đến tận giờ.

Lon Guigoz nhờ vậy mà được cùng gia đình cô du hành qua hai thế kỷ đầy sôi động của khu chung cư 130 tuổi đời giữa Sài Gòn hôm nay.

Cả khu chung cư 1 trệt 4 tầng lầu này chỉ có 60 hộ, có vài người đã trên 90 tuổi phải nằm một chỗ, còn lại cư dân hầu như đã dọn đi nơi khác, để lại mặt bằng cho thuê khi làn sóng kinh doanh mô hình "vintage" bùng lên trong giới trẻ từ những năm 2000.

Bà Tí đi một vòng rồi về dọn mảnh sân nhỏ trước đường vào chung cư. Bà kể: "Nói chứ ở đây cũng cả trăm năm rồi, dân phải gia cố lại mỗi năm. Nhưng được cái công trình bêtông cốt thép thời Pháp họ xây còn ngon lắm". Bà Tí tự hào mình là cư dân khu chung cư trăm tuổi cũng như tự hào về cuộc đời mình đã trải qua.
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày