Tin thị trường

Lịch sử Công giáo miền tây Nam Bộ: Giai đoạn 1659 - 1765

599
Tại vùng đất Nam Bộ, kể từ khi Tòa thánh thiết lập hai giáo phân tông tòa, đặc biệt kể từ khi thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập Gia Định phủ (1698), cùng với những lưu dân Việt di dân từ Đàng Ngoài và Đàng Trong ngày càng đông, thì sự xuất hiện của các thừa sai trên vùng đất này cũng thường xuyên hơn.​
Theo ghi nhận, trong giai đoạn đầu thế kỷ 18, ngoài một số cha Dòng Tên hoạt động tại vùng Bà Rịa, Đồng Nai, còn có các cha “thừa sai Dòng Phan Sinh Tây Ban Nha từ Manila sang hoạt động, đặc biệt ở vùng Chợ Quán, Cái Nhum, Mặc Bắc.”[1] Trong số các thừa sai Phan Sinh, nổi bật nhất là cha José Garcia. Ngài đến Việt Nam năm 1723 và lập nên họ đạo Chợ Quán. Đây là họ đạo cổ xưa nhất của Sài Gòn. Họ đạo gồm những di dân đến từ Phường Đúc (Huế) và là cái nôi Công giáo của Nam Bộ. Kể từ đây, cùng với nhóm cộng sự viên là các linh mục dòng Phan Sinh, các thầy giảng, cha José Garcia đã đi khắp các nơi từ Lái Thiêu - Sài Gòn cho tới Hà Tiên, qui tụ những giáo dân Công giáo là những lưu dân đang sống tản mác, lập thành các họ đạo: Cái Mơn, Cái Nhum, Thủ Ngữ, Mỹ Tho, Cái Bè, Ruất Ngựa, Rạch Lá, Rạch Miếu… Có thể nói, cho tới năm 1750, và cả sau này nữa, sự phát triển của đạo Công giáo tại đồng bằng sông Cửu Long đều xuất phát từ trung tâm Chợ Quán.

Theo thống kê, cho đến giữa thế kỷ 18, toàn bộ vùng đất Nam Bộ - từ Sài Gòn đến Hà Tiên, do các thừa sai Phan Sinh đảm trách, có khoảng 5.500 giáo dân, sinh hoạt tập trung tại 46 họ đạo lớn nhỏ, ở trong 7 khu vực định cư như sau:
Khu vực thứ nhất chung quanh Sài Gòn gồm 2.500 giáo dân, có một nhà thờ ở Chợ Quán, một ở Chợ Lớn, một ở Bến Nghé và một nhà nguyện ở Rạch Cát.​

Khu vực thứ hai nằm về phía Bắc Sài Gòn, dọc theo sông Sài Gòn, có nhiều họ đạo và họ lớn nhất là Lái Thiêu. Năm 1739 họ này đã có một nhà thờ rộng lớn và gần 400 giáo dân. Về phía Tây Bắc có một vài nhóm lẻ tẻ ở vùng Trảng Bàng.​
Khu vực thứ ba ở phía Nam Sài Gòn, giữa ba con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sông Sài Gòn, ở giữa lại có hai đường thủy: sông Rạch Cát và sông Chợ Đêm. Ở khu vực này có nhiều họ đạo nhỏ như Rạch Núi, Rạch Nhà Gẩm, Cần Đước, Khúc Răng, Cái Bè. Vì gần Sài Gòn nên tất cả đều ăn về trung tâm Chợ Quán.​

Khu vực thứ tư về phía Nam sông Vàm Cỏ Tây, dọc theo rạch này nối liền sông này với sông Cửu Long, miền này ngày nay là kinh Chợ Gạo, có hai nhóm giáo dân khá đông, một ở Chợ Rạch Lá, trước năm 1739 gồm hơn 300 người, và một ở Cà Hoa, nay là Thủ Ngữ (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), cũng gồm hơn 200 người.​

Khu vực thứ năm là ở phía bên kia sông Cửu Long, ngày nay là sông Mỹ Tho, có họ đạo Cái Mơn gồm 900 giáo dân vào năm 1751 và Cái Nhum gồm 600 giáo dân. Một số giáo dân khác xuôi dòng miền biển, dọc theo hai bờ sông Hàm Luông, nhất là ở vùng Ba Tri, ở đó trước năm 1730 đã có nhà thờ Cái Bông.​

Khu vực thứ sáu dọc theo phía Bắc sông Mỹ Tho là một vùng hình tam giác, đỉnh nam là Mỹ Tho, đỉnh bắc là Vũng Gù, đỉnh tây là Cái Bè. Tại đây có nhiều nhóm giáo dân đến ở, nhất là dọc theo kinh rạch nối liền Tân An – Mỹ Tho như Vũng Gù, Thân Trong, Bến Tranh, Rạch Nam, Xoài Mút, Rạch Gầm, Ba Giồng.​

Ngoài những vùng này, khó có thể nói ở các nơi khác đã có những lưu dân Thiên Chúa giáo trước năm 1750, trừ một nhóm nhỏ đã vượt sông Cổ Chiên xuống lập cư tại Bưng Đưng gần sông Ba Thác. Trên phần đất hiện nay là tỉnh Bến Tre thì người ngoài Thiên Chúa giáo cũng chưa có bao nhiêu, nếu có thì cũng chỉ lẻ tẻ thưa thớt. Còn phía Nam sông Hậu Giang thì lại càng chưa có người Công giáo.​

Khu vực thứ bảy là vùng Hà Tiên nơi đã có mặt người Công giáo từ đầu thế kỷ XVIII. Họ chung với một số người Bồ Đào Nha để cất một nhà nguyện nhỏ, thỉnh thoảng có linh mục theo tàu buôn đến sinh hoạt tôn giáo với họ. Vào năm 1721 hoặc 1722, có một số thừa sai dòng Phanxicô ở Malacca đến phụ trách nhà nguyện này. Linh mục José Garcia đến Hà Tiên lần thứ nhất vào năm 1735. Có một giáo dân người Việt là tay chân đắc lực của Mạc Thiên Tứ, xin phép cho cất một nhà thờ mới, nhờ đó linh mục Garcia đã lưu lại và phát triển họ đạo này. Năm 1744 giám mục Armand Lefèbvre, đại diện Tông Tòa Đàng Trong và thuộc Hội Truyền Giáo Paris, đã đến ban phép thêm sức cho hơn 100 người lớn. Vào năm 1745 một nhà thờ khác lại được xây lên và từ đó họ đạo Hà Tiên phát triển nhanh chóng để vào năm 1750 khi việc cấm đạo trở nên gay gắt, trở thành nơi trú ẩn cho giáo dân ở các vùng khác.​

Như vậy, cho đến giữa thế kỷ 18, các thừa sai đã có mặt hầu như ở khắp vùng đất Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo tại đây, giai đoạn này, đã gặp phải những khó khăn khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh trục xuất tất cả các thừa sai ra khỏi Đàng Trong Việt Nam ngay trong đêm 26 rạng ngày 27/8/1750, và chỉ giữ lại duy nhất một linh mục thừa sai dòng Tên là cha Koeffler, người Đức, vì ngài là ngự y của nhà vương. Sau khi bị trục xuất khỏi Đàng Trong, một số thừa sai thuộc Hội thừa sai Paris và dòng Phan Sinh đã đến lập cơ sở tại Cao Miên, từ đó tìm cách vào lại Đàng Trong, nhưng phải đến năm 1754, cha José Garcia cùng với các thừa sai Phan Sinh mới có thể trở lại Hà Tiên, nhưng chỉ quanh quẩn ở Hà Tiên – vùng đất cai quản của Mạc Thiên Tứ, chứ không dám tiến sâu vào vùng đất của chúa Nguyễn.

Theo các nhà nghiên cứu, giai đoạn từ năm 1750 đến năm 1771 được coi là giai đoạn buồn thảm nhất trong lịch sử truyền giáo tại Đàng Trong. Giai đoạn không thừa sai, không sinh hoạt mục vụ ở hầu hết các xứ họ. Đời sống đạo chỉ là kinh nguyện trong gia đình.[4] Tại miền Tây, đặc biệt nơi vùng đất do Mạc Thiên Tứ cai quản, do lệnh cấm đạo không được thi hành, nên một số thừa sai Phan Sinh và thừa sai Paris đã tìm về nơi đây chờ thời cơ thuận tiện sẽ trở lại Nam Bộ. Năm 1765, Võ vương qua đời. Khoảng hai năm trước đó, năm 1763, khi cuộc bách hại đạo đã có phần lắng dịu, một số thừa sai đã có thể trở lại hoạt động tại Nam Bộ.
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày