Tin thị trường

Tên đường ở TP.HCM được đặt từ khi nào?

1398
Ngược dòng lịch sử, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân cho biết hệ thống tên đường ở Sài Gòn – TP.HCM hình thành khá sớm, từ thời nhà Nguyễn. Đến thời Pháp thuộc, Sài Gòn có khoảng 39 tên đường nhưng hầu hết không có tên, mà được đánh số. Năm 1865, người Pháp ra quyết định đặt tên đường theo tên của những nhân vật đã có đóng góp công sức trong việc thành lập thuộc địa mới hoặc đã đóng góp vào việc truyền bá đạo Thiên chúa hay văn hóa Pháp tại đây.

Ở Chợ Lớn, ngày 14.7.1865, thống đốc Rozé ký quyết định đặt tên 31 con đường, trong đó dùng nhiều tên địa danh như: An Nam, Mỹ Tho, Chợ Quán và các tên gọi có từ trước như Thợ Thủ Công, Cây Mai, Kinh Đào, bến Mễ Cốc.
Sản phẩm có thể bạn quan tâm
Đến thời Việt Nam Cộng hòa, chính quyền Sài Gòn cho Việt hóa hầu hết các tên đường của TP và cả các vùng của khu đô thị Sài Gòn thuộc địa phận tỉnh Gia Định lúc bấy giờ như: Bà Chiểu, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bảy Hiền, Ông Tạ; chỉ giữ lại tên một số ít những người Pháp nổi tiếng như nhà bác học Pasteur, bác sĩ Calmette, Alexandre de Rhodes,…

Sau năm 1975, TP có 2 lần đổi tên đường lớn vào ngày 14.8.1975 với 51 con đường và ngày 4.4.1985 với gần 100 con đường.

Ngày 23.8.1995, Hội đồng Đổi, đặt tên đường được thành lập có chức năng tư vấn, tham mưu cho UBND TP trong việc đặt, đổi tên đường.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư – người viết quyển sách đầu tiên về tên đường TP.HCM xuất bản năm 1994 khi ấy đã được mời làm ủy viên thường trực thứ nhất Hội đồng Đổi, đặt tên đường ngày vừa thành lập.

Theo ông Tư, ngày 11.6.1861, Thủy sư Đô đốc Charner ký nghị định ấn định ranh giới Sài Gòn khá rộng, đề án này sau bị bãi bỏ, không thực hiện được. Khi ấy đường phố được vạch ra trên bản đồ quy hoạch thì nhiều, nhưng trên thực tế chỉ mới sửa sang lại các con đường của TP.Gia Định cũ và khu vực người Hoa ở Chợ Lớn, vào khoảng 20 con đường.

Đến 1865, hai TP.Sài Gòn và Chợ Lớn được quy định riêng rẽ, các đường được xây dựng từ năm 1861 lần lượt được đặt tên như đường Bonard (lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), Catinat (Đồng Khởi), Quai de Donnai (Tôn Đức Thắng)...

Đến năm 1878, TP có thêm 28 con đường mới được đặt tên, như: Bangkok (Mạc Đĩnh Chi), Marchaise (Ký Con), Bà Rịa (Điện Biên Phủ),...

Từ năm 1878 đến 1894, TP.Sài Gòn chỉ đổi tên một số đường đã có từ trước như đường Fort du Sud (Pháo Đài Phía Nam) có từ năm 1861 thành đường Jean Eudel (Nguyễn Tất Thành), đường Eglise thành đường Ormay (Mạc Thị Bưởi),... Từ năm 1894 đến 1910, TP.Sài Gòn có thêm 40 đường mới hoặc đổi tên đường mới.

Còn tại TP.Chợ Lớn, tính đến năm 1954 trên địa bàn có 145 đường phố lớn nhỏ. Về phía tỉnh Gia Định, người Pháp cũng xây dựng một số đường phố có tên như: Avenue de l'Inspection (Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng), Rue de l'Eglise (Bùi Hữu Nghĩa)...

Từ năm 1950, chính quyền Quốc gia của Bảo Đại quản lý hành chính khu Sài Gòn - Chợ Lớn cũ của người Pháp và đổi tên gọi là Đô thành Sài Gòn, chia địa bàn thành 6 quận hành chính. Thời gian này một số tên đường mới được xây dựng và đổi tên một số đường cũ từ tiếng Pháp ra tiếng Việt.

Từ cuối năm 1954 đến năm 1963, ông Ngô Đình Diệm là Thủ tướng, rồi Tổng thống, giai đoạn này có các đường làm mới như: Chiêu Anh Các (Q.5), Tôn Thọ Tường (Q.5 và Q.11 - nay là Tạ Uyên), Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), Phạm Viết Chánh (Q.1),... Thời gian này 100 con đường ở các khu thị tứ như vùng Bà Chiểu, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bảy Hiền, Ông Tạ cũng được chính quyền đổi từ tên tiếng Pháp sang tiếng Việt.

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân cho biết thêm tên đường thời Việt Nam Cộng hòa, chính quyền Sài Gòn cho Việt hóa hầu hết các tên đường của TP và cả các vùng của khu đô thị Sài Gòn thuộc địa phận tỉnh Gia Định lúc bấy giờ như Bà Chiểu, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bảy Hiền, Ông Tạ, chỉ giữ lại tên một số ít người Pháp nổi tiếng. Tên người được chọn và đặt tên đường đều là những nhân vật có tên tuổi trong lịch sử được nhiều người biết. Tuy nhiên, vẫn còn một số người không có công trạng gì cho dân tộc mà có thể là có những việc làm đi ngược với quyền lợi dân tộc chẳng hạn như Tổng đốc Phương, Tổng đốc Lập...

Sau năm 1975, đơn vị hành chính TP.HCM được thành lập do kết hợp 3 đơn vị hành chính lớn riêng biệt có từ thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa là TP.Sài Gòn, TP.Chợ Lớn và tỉnh Gia Định.

Từ năm 1995 khi tham gia Hội đồng Đổi, đặt tên đường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cùng hội đồng đã đề xuất TP đổi những tên đường bị đặt sai, nhưng chưa được thực hiện. Ông Tư cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến các tên đường bị gọi sai, có thể là do người kẻ bảng tên đường bị sai sót một chút trong quá trình in bảng hoặc vì “đọc sao ghi vậy” như: Trương Quốc Dụng (tên đúng) in thiếu dấu chấm thành Trương Quốc Dung; Sương Nguyệt Anh thì sai thành Sương Nguyệt Ánh; Kha Vạng Cân bị sai thành Kha Vạn Cân; Hoàng Lệ Kha bị viết sai thành Hoàng Lê Kha,…

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu 102 tuổi cũng cho rằng, ở TP.HCM có những tên đường mà những người trẻ sau này cho là kỳ lạ như: Bình Quới, Lò Siêu… Nhưng ông Tư giải thích, ngày trước đã có chủ trương khi đổi tên đường cho TP nên bảo tồn tên địa danh cũ, là những tên mà dân chúng gọi quen rồi, nôm na như Kênh Đen, Cây Trâm, Bà Quẹo,… – dù tên không đẹp nhưng sống với dân ở vùng đó suốt giai đoạn lịch sử. Tên gọi này để ghi nhớ về địa danh đó, khu vực đó.

“TP.HCM là TP lớn nhất cả nước, tên đường là văn hóa, mà văn hóa thì phải thể hiện được quá trình lịch sử của nước Việt Nam nên TP.HCM có nhiều tên đường của danh nhân từ đời xa xưa, cũng như danh nhân khắp cả nước; có nhiều người không ngờ là tổ tiên họ được đặt tên ở TP.HCM trong khi ngay vùng họ không được”, người tham gia đặt tên 1.000 con đường ở TP.HCM chia sẻ.
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày