Tin thị trường

Kế hoạch trở thành sàn thương mại kiểu mới

2451
Nền tảng công nghệ ổn định hiệu quả đã đẩy tốc độ tăng trưởng của iWater đạt trung bình 10 - 15%/tháng, doanh thu năm 2022 là gần 20 tỉ đồng với tệp data 29.000 khách hàng quen, mở rộng mạng lưới bằng cách nhượng quyền ra Vũng Tàu, Bình Dương, Biên Hòa, Long An, khu vực Hà Đông của Hà Nội. Sau thành công của dịch vụ giao nước, Nguyễn Văn Nam đã dùng mô hình này để hợp tác với một số hệ thống bán lẻ gas. Hợp tác với iWater là một hệ thống bán gas có hàng trăm cửa hàng trên toàn quốc với 1.000 nhân sự vận hành (60 nhân viên tổng đài).
Sản phẩm có thể bạn quan tâm
Tuy nhiên, nước và gas chỉ là bước khởi đầu, cùng với dịch vụ giao gạo (ra mắt giữa năm nay) và tiếp đó nữa là giao tất cả nhu yếu phẩm, iWater sẽ đặt chân vào các hộ gia đình ở đô thị như một hệ sinh thái. App điện thoại của start up này sẽ ra mắt vào tháng 9/ 2023 và Nguyễn Văn Nam tin tưởng rằng khách hàng của anh sẽ đón nhận. Hiện nay, chỉ cần 1 số điện thoại là khách hàng đặt mua được nước, gas, gạo của iWater.

Tiếp đó khi có app, người dùng nếu sắp hết sữa hay nước ngọt thì chỉ cần quét mã sản phẩm cần mua thêm là biết được: cửa hàng nào gần nhà mình nhất đang có mặt hàng đó, giá bao nhiêu… từ đó tiết kiệm được chi phí giao hàng và nhận hàng trong thời gian nhanh nhất.

Ba năm qua, founder của iWater đã số hóa xong 20.000 điểm bán lẻ tại TP.HCM bằng Mapstore. Hiện tại anh đang số hóa các mặt hàng tiêu dùng nhanh, mục tiêu là 3 -5 năm nữa sẽ số hóa gần 100.000 mặt hàng đang có mặt tại TP.HCM và các đô thị vệ tinh. Khi đó, iWater sẽ thành một sàn thương mại điện tử chuyên về nhu yếu phẩm, đặc biệt sàn thương mại này có kho tư liệu chuẩn về hàng trăm ngàn mặt hàng.

Người bán không cần phải up hình và thông tin về sản phẩm lên sàn vì tất cả đã có sẵn, công việc của họ đơn giản chỉ là quét mã sản phẩm để hiển thị vị trí và giá bán. Với gạo – mặt hàng khá phức tạp do đặc thù thói quen trộn các loại gạo của các đại lý, anh Nam cần đến mấy năm trời để có thể xây quy trình sao cho chuẩn hóa được đầu vào. Để đảm bảo thời hạn lưu kho trong giới hạn tốt nhất của 20 loại gạo có thương hiệu được chọn bán, anh làm việc với hàng trăm đại lý, kiên nhẫn thuyết phục họ thay đổi một phần hành vi bán hàng theo hướng đảm bảo lợi ích cho người mua online…

Còn các mặt hàng tiêu dùng nhanh như bia, nước ngọt, nước tương nước mắm… ông chủ iWater cho biết: “Phần lớn các điểm bán lẻ ở Việt Nam chưa có phần mềm bán hàng, nhân viên kinh doanh của các công ty sản xuất mỗi ngày phải đến các cửa hàng để lấy thông tin về lượng hàng bán được, rồi mới báo về kho để bổ sung hàng mới. Lợi ích của app là quá rõ: Nếu áp dụng công nghệ thì không cần tốn nhân sự như vậy nữa, các chủ cửa hàng sẽ cập nhật mỗi ngày trên app số lượng bán được của từng mặt hàng.”

Cho đến giờ này, iWater tạo được nền tảng khá vững chắc ở TP.HCM cùng các đô thị vệ tinh và khu vực Hà Đông của Hà Nội. Tất nhiên, nhà sáng lập đã có mục tiêu tạo hệ sinh thái bán nhu yếu phẩm cho các bà nội trợ trên toàn quốc. Để đạt được mục tiêu đó cần một kế hoạch dài hơi, và Nguyễn Văn Nam sau 6 năm bền bỉ xây dựng nền tảng có lộ trình khá rõ ràng. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian thực thi những bước đi chứa khá nhiều tham vọng!
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày