Tin thị trường

Những nẻo đường người đi giao nước

817
Một ngày làm việc của Dương Thanh Giang, 32 tuổi, bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng, sau khi dùng xong bữa sáng và cữ cà phê đầu ngày. Đó cũng chính là thời khắc thảnh thơi hiếm hoi của Giang, còn thì cả ngày anh phải chạy xe nhiều lượt đi, về để giao nước bình theo đơn hàng.

“Bạn đồng hành”, cũng là phương tiện làm việc của Giang, là chiếc xe máy 125cc, có gắn thêm khung sắt phía sau để chở hàng. Vừa chạy đến công ty, trụ sở nằm trên đường Phạm Nhữ Tăng (P.4, quận 8, TP.HCM), nhiều khi chưa kịp uống ly nước, Giang đã phải đi ngay xuống kho để nhận đơn hàng đầu tiên trong ngày. 

15 bình nước 20 lít, có thể có thêm 1-2 thùng nước chai loại 330 ml hoặc 500 ml, được Giang bê đặt vào khung chở hàng một cách nhanh chóng và gọn gàng. Lướt nhanh một lần nữa các địa chỉ giao hàng in trên đơn, Giang nổ máy xe và lên đường, lần lượt đến giao nước theo từng địa chỉ.

Những chuyến xe của sự tận tâm
Công việc thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng đòi hỏi ở người giao nước những kỹ năng nhất định về cách bốc xếp, lên xuống hàng và chở hàng. Một người giao nước lành nghề sẽ biết khi lên hàng thì cho lên vị trí nào trước, buộc dây vào cổ bình ra sao; rồi khi giao hàng thì lấy bình từ vị trí nào xuống trước, xuống sau để xe luôn giữ được thế cân bằng. Người chuyên nghiệp cũng sẽ biết cách ghép các đơn hàng theo cụm tuyến đường gần nhau để lộ trình đi giao hàng đạt được kết quả tối ưu nhất về mặt thời gian.

Tính từ lúc nhận cuộc gọi đặt hàng, người giao nước phải đảm bảo giao sản phẩm đến địa chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, và phải chở trung bình 16 bình nước 20 lít mỗi chuyến, và thường phải di chuyển như con thoi, liên tục từ sáng đến chiều. Đó quả là một thử thách, bởi đối với người đi giao nước, anh không chỉ là một shipper đơn thuần, mà thực sự còn là một… lực sĩ, với yêu cầu cao về sức bền thể lực. Với công suất vận chuyển trung bình 2.000 kg (tương đương 100 bình nước 20 L) mỗi ngày, Giang cho biết phải thay nhớt xe máy sau mỗi ba tuần.

Giao nước ở những địa chỉ thuận lợi, nhà mặt tiền, tầng trệt thì không thành vấn đề. Trong nhiều trường hợp, Giang phải giao nước lên cao, với những chủ đơn hàng ở chung cư cao tầng, không có thang máy. Khi đó, Giang phải vác bình nước lên tầng 1, tầng 2, tầng 3, rồi tầng 4, có khi cao hơn. Đôi lúc đã tới đúng địa chỉ, vác bình nước lên đến trước cửa nhà X, nhà Y rồi mới biết là bị nhầm block nhà, lỗi do người lên đơn không nhập dữ liệu chính xác đến từng chi tiết! Vậy là phải lụi hụi vác bình xuống đất, cho lên xe, chạy sang block nhà bên kia theo chỉ dẫn của khách hàng, rồi lại một lần nữa vác bình nước lên độ cao tương tự block nhà vừa đi.  

Giao nước lên các tầng nhà cao quả là một thử thách, nhưng đối với Giang, như thế vẫn chưa cực bằng khi làm việc vào những ngày mưa. Chạy xe đi giao hàng, người bị ướt vì nước mưa, và còn thấm đẫm cả những giọt mồ hôi. Trong điều kiện thời tiết như thế, người đi giao nước phải tập trung cao độ, che chắn kỹ những bình nước, thùng nước trên khung hàng, di chuyển chậm vì bị kẹt xe, mưa làm giảm tầm nhìn, vừa chạy xe, vừa đưa tay lên mặt vuốt nước mưa. “Một yêu cầu bắt buộc đối với người đi giao nước là mình có thể bị ướt, nhưng phải luôn đảm bảo bình nước, thùng nước khi giao đến cho khách không bị ướt bên ngoài, phải sạch sẽ, tinh tươm như một chiếc áo mới”, người từng là shiper và có thâm niên hơn một năm làm nhân viên giao nước này hé mở phần cực nhọc của công việc. 

Cũng như Giang, Tô Vĩnh Hưng, 24 tuổi, là nhân viên giao nước chuyên nghiệp của Satori tại kho quận 8, điểm “outlet” lớn nhất trong số 3 outlet của Satori tại TP.HCM. Hai outlet còn lại đặt tại quận 2 và quận Gò Vấp. Hưng cho biết, ngoài yêu cầu về sức khỏe, nhân viên giao nước còn phải có đức tính kiên nhẫn và lịch sự khi giao tiếp với khách hàng. “Tôi không ngại độ cao, không ngại đường hẻm quanh co, trắc trở, vì đó là một phần công việc, mình phải chấp nhận. Đối với tôi, suốt cả ngày làm việc cực nhọc, niềm vui lớn nhất là khi giao thành công các đơn hàng, đón nhận sự hài lòng từ phía khách hàng”, Hưng tâm sự.

“Thỉnh thoảng cũng gặp những khách hàng khó tính, họ có vẻ không hài lòng về một điều gì đó, tôi cố gắng giải thích cho họ hiểu, đến khi họ chấp nhận mới thôi”, Hưng chia sẻ thêm. Và thường trong những trường hợp như vậy, anh đều báo cáo lại với người phụ trách và nhân viên chăm sóc khách hàng để các bộ phận liên quan xử lý vấn đề thông suốt, tạo thuận lợi cho người đi giao nước.

Vậy là không kể ngày mưa, tháng nắng, những nhân viên giao nước vẫn cần mẫn sớm tối đi về trên những cung đường không hẹn trước, với những thao tác quen thuộc hằng ngày. Cứ thế, họ mang đến tận nơi, phục vụ cho người tiêu dùng những sản phẩm nước sạch, được tinh lọc bằng công nghệ hiện đại, tốt cho sức khỏe. Đằng sau mỗi sản phẩm nước ấy là cả một tấm lòng, sự tận tâm và trách nhiệm của người đi giao nước, đúng như câu slogan của Satori: “Trọn từng giọt yêu thương”.  

“Cực, nhưng anh em sống được với nghề!”  
Tại Satori, thu nhập của những nhân viên giao nước được tính theo năng suất công việc, vì vậy mỗi ngày họ phải nỗ lực đi giao nhiều đơn hàng nhất có thể. 

Đối với những nhân viên giỏi nghề như Giang hoặc Hưng, bình quân mỗi ngày họ đi giao khoảng từ 100-110 bình nước, và cung đường đi về hằng ngày của họ cũng rơi vào khoảng từ 100-120 km. Với họ, nghỉ ngơi là một điều gì đó khá xa xỉ. Hưng cho biết, trong khi những nhân viên văn phòng thoải mái ngả lưng trên những chiếc ghế êm ái vào những giờ trưa, cánh nhân viên giao nước như anh chỉ tranh thủ chợp mắt ngay tại kho vào lúc trống đơn hàng. Và để đảm bảo tinh thần “trực chiến” trên từng cây số giao nước, bữa trưa Giang và Hưng phải ăn cơm bụi ở ngoài đường.   

Thời gian làm việc hằng ngày của đội ngũ nhân viên giao nước là từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Bảy. Quy định là thế, nhưng hiếm khi Giang và Hưng về nhà trước 7 giờ tối. Thậm chí, Chủ nhật là ngày nghỉ, nhưng người giao hàng vẫn có thể bị “đánh thức” bất chợt khi có đơn hàng đột xuất. Những lần như thế, Hưng lại khoác vội bộ quần áo xanh lên người, chạy xe đến kho và thực hiện công việc quen thuộc của mình. “Tôi không ngại làm thêm ngày Chủ nhật, vì thu nhập của mình tính theo năng suất, mình làm nhiều thì được hưởng nhiều. Và quan trọng, khi khách hàng cần là mình phải có mặt!”, Hưng tâm sự.

Những nhân viên giao nước như Giang, Hưng là cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, và là người hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Vì thế, họ có một vai trò quan trọng đối với công ty, chứ không đơn thuần chỉ là người đi giao hàng. Đánh giá tầm quan trọng đó, những người quản lý ở Satori đã tính toán để đảm bảo sao cho những “đại sứ của nước” dù hiện tại công việc rất vất vả, nhưng có thể sống tốt, sống vui với nghề. Tại Satori, thu nhập bình quân tháng của một nhân viên giao nước khoảng từ 15-16 triệu đồng, ngoài ra còn thêm những khoản thưởng theo năng suất, trách nhiệm công việc.

Anh Hồ Đỗ Chương, trưởng phòng Vận hành Công ty Cổ phần Thương mại Satori, cho biết, hằng tháng nhóm quản lý đều tổ chức buổi gặp thân mật anh em nhân viên giao nước, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. “Công ty tôn vinh người đi giao nước bằng việc thể hiện tên của họ lên bảng “nhân viên gương mẫu của tháng”, kèm theo đó là khoản thưởng năng suất”. 

Anh Chương cho biết thêm, thông qua sự tôn vinh này, công ty còn đánh giá được chất lượng dịch vụ của mình từ những phản hồi của khách hàng và từ kết quả theo dõi của bộ phận kinh doanh đối với những người đi giao nước. “Như vậy, hình ảnh của công ty, uy tín của thương hiệu sản phẩm cũng sẽ được nâng cao”, anh Chương chia sẻ. 
 

Dương Trần.
Những nẻo đường người đi giao nước

Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày